Tiếp tục là huấn luyện viên cho cuộc thi Giọng hát Việt nhí, sau những thành công ở mùa đầu tiên, điều đó có tạo áp lực hay thuận lợi cho Hồ Hoài Anh trong mùa tiếp theo này?
- Có thể nói vừa áp lực mà cũng vừa thuận lợi cho tôi trong mùa tiếp theo này. Bởi, với chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam thường hay gặp vấn đề năm đầu tiên rất thu hút khán giả, nhưng đến mùa thứ 2 thì lại bị so sánh và săm soi nhiều hơn. Nên việc bị so sánh với mùa trước đã quá thành công cũng không tránh khỏi, điều đó vô hình trung cũng tạo áp lực cho êkíp, nhà sản xuất, người thực hiện, huấn luyện viên như chúng tôi.
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và vợ - ca sĩ Lưu Hương Giang trên ghế huấn luyện viên Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên.
Còn về thuận lợi, tôi có một năm làm huấn luyện viên nên cũng có kinh nghiệm hướng dẫn, dạy dỗ nên hiểu các em hơn. Chính vì vậy, công việc của một huấn luyện viên lúc này là làm sao sáng suốt, tỉnh táo để lựa chọn, tìm ra được những nhân tố tốt, tài năng.
Đến giờ chót của Giọng hát Việt nhí mùa năm nay lại có sự thay đổi giữa huấn luyện viên nhạc sĩ Thanh Bùi bằng ca sĩ Lam Trường. Nhiều ý kiến cho rằng, việc mời một ca sĩ thị trường dạy trẻ em có vẻ không được hợp lý lắm. Anh nghĩ sao về ý kiến này?
- Có vẻ như từ “ca sĩ thị trường” bây giờ không còn phổ biến ở Việt Nam, ngày xưa mọi người mới dùng khái niệm đó, cá nhân tôi cảm thấy cách dùng từ đó không hoàn toàn đúng. Với anh Lam Trường, tôi lại thấy anh ấy khá thành công trong thời điểm trước đây. Vào thời kỳ đỉnh cao của Lam Trường, có thể nói, anh ấy là một ngôi sao ca nhạc, mà đã là ngôi sao ca nhạc thì cũng có kinh nghiệm nhất định nào đó về âm nhạc, sân khấu, nên anh ấy cũng có thể huấn luyện được các em bé, chứ không thể chủ quan mà nói rằng anh ấy không thể huấn luyện được.
Hơn nữa, đằng sau Lam Trường còn có cả một êkíp giúp đỡ, còn có giám đốc âm nhạc, nên theo tôi chuyện đấy không có gì là to tát và đáng lo ngại như một số ý kiến bạn đưa ra.
Có rất nhiều nghệ sĩ đã từ chối chương trình truyền hình thực tế, bởi cho rằng truyền hình thực tế có nhiều chương trình chất lượng không tốt, có thể nói là nhàm chán. Vậy với Hồ Hoài Anh, chương trình như thế nào sẽ là hợp với anh?
- Từ trước đến nay, Hồ Hoài Anh nhận tương đối nhiều chương trình âm nhạc, và với chương trình nào tôi cảm thấy phù hợp với mình thì mới nhận lời. Còn chuyện bạn hỏi một chương trình truyền hình thực tế, thường chỉ được số đầu, còn số sau rất dễ trở nên nhàm chán với khán giả, thì tôi phải nói thật, ở một đất nước có 90 triệu dân, nhưng tất cả những chương trình truyền hình thực tế hay nhất trên thế giới đều đã du nhập vào, thì không thể nào tránh khỏi sự nhàm chán của khán giả. Trong khi như ở Mỹ chương trình Thần tượng âm nhạc chạy mười mấy năm nay nhưng vẫn hay, vẫn thu hút khán giả bởi số lượng khán giả khổng lồ. Thí sinh cũng rất phong phú, đa dạng và nhiều.
Lam Trường thay thế Thanh Bùi làm Giám khảo Giọng hát Việt nhí.
Một điều tôi thấy hơi buồn và thương cho nhiều chương trình truyền hình thực tế, là khi nhà sản xuất tổ chức thì đều muốn chương trình của mình đạt kết quả tốt cũng như thành công. Thế nhưng, người Việt Nam hình như mắc một căn bệnh, đó là rất hay phán xét và “chém gió”. Tức là họ không làm, không hành động, nhưng lại chê, nhìn những mặt chán, tiêu cực của sự việc. Thật sự tôi cho đây là một căn bệnh rất nặng ở một số người Việt Nam.
Ngày trước, khi chưa quen với chuyện chê bai đó, tôi thật sự cũng bất bình và suy nghĩ ghê lắm, nhưng lâu rồi tôi như kiểu mắc bệnh mãn tính, tôi thấy quen và bình thường (cười).
Nhắc đến mùa giải trước, ngay ở những vòng đầu đã có rất nhiều ý kiến phản đối việc các em nhỏ đã hát những bài hát không đúng với lứa tuổi của mình. Liệu năm nay anh có chiến lược hay sự thay đổi nào đó trong việc chọn lựa ca khúc cho các em?
- Tại chương trình Giọng hát Việt nhí được chia làm 2 nhóm. Với nhóm từ 12 tuổi trở xuống, tâm sinh lý khác, có thể thích những ca khúc yêu quê hương, đất nước, hay những bài về thiếu nhi kiểu nhạc “Cánh én tuổi thơ”... Với những em lứa tuổi 13 trở nên, có những em đã dậy thì, đã biết có cảm tình, thinh thích, thậm chí yêu bạn khác giới, thì các em sẽ không thích những ca khúc kiểu thiếu nhi. Tất nhiên năm ngoái tôi cũng không chọn những ca khúc chỉ nói đến tình yêu trai gái, sự chia lìa, sướt mướt để các em hát, mà tôi chỉ chọn những ca khúc kiểu như “Sắc màu”, “Chiếc khăn Piêu”, “Con cò”, “Đá trông chồng”... cho Quang Anh hát.
Ở cuộc thi trước, nhà sản xuất cũng đã nghĩ đến vấn đề này, tổ chức hẳn một cuộc thi sáng tác cho các em thiếu nhi và tôi cũng là người đã đồng hành với cuộc sáng tác này. Nhưng rất tiếc, đến vòng cuối cùng cũng không tìm được một ca khúc hay. Nên năm nay tôi cũng vẫn chỉ chọn những ca khúc sẵn có và vẫn phải dựa trên sự hồn nhiên của các em nhưng cũng phải phù hợp với thời đại, phù hợp với sở thích của chính các em.
Xin cảm ơn nhạc sĩ Hồ Hoài Anh.
Theo Thanh Hà (Dân Việt)
Post a Comment