BREAKING NEWS

NHÂN ÁI

GIỚI TÍNH

DU LỊCH

Tuesday, November 4, 2014

TÍNH MẠNG VÀ TIỀN CÁI NÀO QUÝ HƠN?

Đề xuất tăng tiền phạt vi phạm, như một biện pháp để chấn chỉnh tình hình vi phạm giao thông, vừa được đưa ra tại một phiên thảo luận ở kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13.
Theo tôi, tăng tiền phạt là phù hợp. Nhưng nếu chỉ thực hiện một biện pháp đó thì liệu đã đủ để giải quyết được vấn đề vi phạm giao thông?

Bất kể cơ sở pháp lý có hoàn thiện và tối ưu đến đâu, theo tôi điều quan trọng nhất vẫn nằm ở chỗ nó phải được thực hiện nghiêm minh. Sự nghiêm minh là yếu tố cốt lõi đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật.

Tôi có người bạn Australia, tên là David. Ở đất nước này hầu như ai cũng có xe riêng, David cũng vậy, nhưng trong một thời gian dài David luôn đi taxi. Tôi hỏi nguyên nhân. David kể anh đang bị thu bằng lái vài tháng do lái xe với nồng độ cồn trong hơi thở cao hơn quy định. Trong khoảng thời gian này xe của anh hoàn toàn bỏ xó, vì nếu tiếp tục lái xe anh sẽ phải hầu tòa. Anh ấy ngóng từng ngày cho đến ngày được lấy lại bằng. Ngay hôm lấy được bằng lái anh còn tổ chức ăn mừng như một sự kiện quan trọng. Sau bữa tiệc, mọi người có đi bar. David gọi taxi mà không dám tự lái xe. Bởi nếu vi phạm lần nữa David sẽ bị tước bằng vĩnh viễn.

Một anh bạn khác của tôi từng phải nhận hóa đơn phạt nguội vài trăm dollar chỉ vì lỗi vượt đèn đỏ… vài phần trăm của một giây - vài phầm trăm của giây, chứ không phải vài giây. Đó quả thật là một khoảnh khắc "đắt giá" theo đúng nghĩa đen.

Vậy, còn ở Việt Nam thì sao? Mức phạt đã được tăng đáng kể so với 3 năm trước nhưng tình trạng vi phạm giao thông không vì thế mà thuyên giảm rõ rệt. Tôi cho rằng, nếu chỉ phạt tiền sẽ dễ tạo ra cảm giác tiền có thể giải quyết mọi vấn đề. Với những người thừa tiền, nhưng thiếu ý thức, họ sẵn sàng dùng tiền để đùa giỡn với luật pháp. Chưa kể, việc phạt tiền cũng dễ nảy sinh tiêu cực. Bởi vậy, để khắc phục điểm yếu của hình thức phạt tiền, cần bổ sung vào luật những biện pháp trừng phạt khác như: lao động công ích, tái phạm thì tăng thời gian lao động. Với những lỗi nặng có nguy cơ gây nguy hiểm đến cộng đồng cao (như điều khiển phương tiện khi uống rượu bia) thì phải tịch thu bằng lái; cấm lái xe cũng như cấm cấp lại bằng trong thời hạn nhất định; nếu tiếp tục tái phạm lỗi nặng nhiều lần thì cấm lái xe vĩnh viễn. Thậm chí, nếu vi phạm trong thời gian bị thu bằng thì có thể bị xử lý hình sự.  Đó là với cá nhân. Còn với vi phạm mang tính hệ thống của những công ty vận tải thì kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh. Những hình thức như vậy có thể sẽ mang tính răn đe hơn phạt tiền.

Mặt khác, sự lộn xộn trong giao thông Việt Nam hiện nay bắt nguồn từ rất nhiều yếu tố: cơ sở hạ tầng, ý thức của người tham gia giao thông cho đến hành lang pháp lý và biện pháp giám sát thực hiện…

Ở Việt Nam, chắc nhiều người biết rõ khái niệm "thi chống trượt". Trên nhiều trang mạng còn công khai quảng cáo "thi lái xe đảm  bảo 100% có bằng". Tại sao vậy? Đó là bởi nhiều người quen với việc "Tiền mua được mọi thứ".

Tôi cho rằng, phải thắt chặt khâu thi và cấp bằng lái. Chỉ khi người sử dụng phương tiện trang bị cho mình đầy đủ kiến thức về luật lệ an toàn giao thông thì mới có thể trông chờ họ chấp hành. Kiến thức (knowledge) cũng chính là cái điểm xuất phát của chuỗi KAP. Có kiến thức thì mới mong có thái độ (attitude) phù hợp và từ thái độ tốt mới có hành động thực hành (practice) đúng. Thế nhưng, lâu nay vẫn đang xảy ra tình trạng luồn lách khi thi sát hạch lái xe. Vụ tai nạn khiến 2 người chết, 8 người bị thương vừa xảy ra do lỗi nhầm chân ga của một cô thợ làm tóc vừa nhận bằng là một ví dụ cho thấy câu hỏi về giá trị thực của cái gọi là Giấy phép lái xe.

Ở Australia, cũng như nhiều nước khác phạt không phải là ưu tiên hàng đầu của nhà chức trách. Nhưng một khi đã có vi phạm, họ xử lý thẳng tay. Việc lấy bằng lái xe ôtô ở Australia cũng rất khắt khe. Người sống tại Australia muốn lấy được bằng lái xe hoàn chỉnh (Full Driver License) - tương tự như bằng lái ở Việt Nam -thường mất tới 3 năm, với quy trình cực kỳ chặt chẽ. Một người phải thi lại vài lần là chuyện thường.

Nghe câu chuyện ở Việt Nam về việc nhiều người bỏ tiền để thi chống trượt, David hỏi tôi: "Ở Việt Nam, tiền có thể mua được tính mạng?".

Post a Comment

 
Copyright © 2013 TIN TỨC EXPRESS
Powered byBlogger